RÂM RAN CHÈ XANH (3)
06 Tháng Sáu 2017 :: 10:22 SA :: 1403 Views :: 0 Comments

Nhớ cái nghèo, cái đói ngày ấy, mà tôi đâu có quên nổi cái dư âm, cái tình cảm “mộc mạc làng quê, trưa nắng hè gọi nhau râm ran chè xanh” như cái tình, cái dư âm mà nhạc sĩ An Thuyên đã cảm nhận trong nhạc phẩm “Ca dao em và tôi”.
Tối đến, lá chè xanh khi ít thì đem nấu cả, khi nhiều thì phần nấu, phần để dành hôm sau (mười ngày mới có 2 phiên chợ, lại có phiên chính, phiên phụ).
Lá chè được rửa sạch, cho vào nồi đất nấu như chè lá vối. Đun sôi. Nồi nước chè xanh sôi lên thì “ cả xóm đều hay”. Nhớ đấy, khi bắt đầu sôi rồi thì nhỏ lửa, cấm không được mở vung khi đang đun, dù có trào nước. Mở vung, mùi “ai khói” là mất ngon ngay. Thấy đủ chín chè thì “bắc” (nhấc) ra khỏi bếp. Muốn có nước thật xanh ngắt, các cụ bảo thế, thì phải “hãm” thêm bằng một, hai bát nước sôi để nguội được đổ vào nồi ngay sau khi đưa xuống sao cho trước khi uống độ nửa tiếng đồng hồ, khi rót mời khách nước vẫn bốc hơi nghi ngút, ngào ngạt hương thơm của chè chín, mà hơi hăng hăng của cánh chè tươi. Thế mơí đầm ấm, mơí nhớ, không thể nào quên. Cách pha chế, thưởng thức chè xanh đâu phải công phu, nhưng cũng chẳng dễ gì.
Khi đã đông đủ khách mời, nước chè được rót ra các bát với một phần nửa chiều sâu, bao nhiêu khách, bấy nhiêu bát. Bát vừa để ăn cơm, vừa được rửa sạch để khi uống nước, chẳng có bát riêng, mà cũng chẳng uống bằng ly, chén nhỏ bao giờ. Nước rót xong hết lượt các bát của chủ, khách thì lời mời chè xanh lại được râm ran.
Những ông nghiện thuốc lào, được mời, thường chậm rãi, thậm chí chưa uống ngay. Đón nhận, rồi từ từ đặt bát nước chè xuống mặt chõng tre hay mặt chiếc chiếu rải trên hè, “bắn” một hơi thuốc lào, nuốt hơi, ngửa cổ phà khói, rồi mới từ từ nâng bát nước lên, nghiêng sáng soi ánh trăng hay ánh đèn dầu ngắm nước xanh, rồi cũng từ từ đưa bát nước lên tợp một ngụm, mắt lơ đãng say sưa.
Những cuộc uống chè cũng làm cho tôi nhớ da diết tiếng rít ròn tan của những cái điếu cày lõ được “thửa” từ chợ Sơn về (Sơn Tây) hay cái điếu bát da lươn, vân “cổ”, se điếu (cần hút) bằng trúc nhiều đốt, để cả “mấu” không được bứt bỏ và phải đủ cả số “mấu” theo thứ tự “Sinh – Lão – Bệnh – Tử – Sinh/Lão”, không được tính đến chữ Bệnh hay chữ Tử - điềm gở.
Thường thế!
TS. CHU XUÂN ÁI – Tháng 5/2006.
(Còn nữa)
 
 
 
Comments
Hiện tại không có lời bình nào!
  Đăng lời bình

Trong phần này bạn có thể đăng lời bình





Gửi lời bình   Huỷ Bỏ

Copyright 2008 by www.chetonvinh.com | Thỏa Thuận Dịch Vụ | Bảo Vệ Thông Tin 28 Tháng Ba 2024    Đăng Nhập 
Được cung cấp bởi: www.eportal.vn