CHÈ TƯƠI CÁC VÙNG MIỀN Ở VIỆT NAM - P.16
27 Tháng Mười Một 2017 :: 3:45 CH :: 1486 Views :: 0 Comments

“Chè tươi” được hiểu là chè được pha chế trưc tiếp từ nguyên liệu tươi gồm lá, cành, nụ, quả chè mà không qua sao sấy, khác với tên gọi “chè xanh” với công nghệ diệt men, sao sấy khô, mặc dù nước pha uống đều có màu xanh mà nhiều người lầm tưởng hoặc thường gọi “chè xanh” hai loại như nhau. 
Bà bảo nước phải đun cho thật sôi già và kỵ nhất là nước oi khói. Nước mà bị oi khói thì coi như phải đổ cả mẻ chè đi. Nước cũng được lấy từ bể nước mưa nửa nổi nửa chìm trong sân dùng quanh năm không hết. Nhà có nước máy nhưng bà tôi bảo hãm chè với nước máy uống nồng, mùi nước máy nó át cái vị của chè đi. Hồi ấy bếp toàn đun bằng củi, lá khô hay than chứ làm gì có bếp ga bếp dầu.
Đổ nước xong, nắp chum được đậy kín lại và cả chiếc chum nhỏ được ủ quanh bằng bao tải rồi đặt vào một cái thùng gỗ vuông đóng vừa khít với chiếc chum lót tải giữ cho chum nước luôn nóng. Có khách, bà tôi cẩn trọng lấy chiếc gáo dừa nhỏ múc và rót nước nóng vào những chiếc bát sứ thô xếp ngay ngắn trên mặt chõng tre tự tay bưng mời khách.
Khi thuê người đóng chiếc chõng bán nước, ông tôi còn dặn bác phó mộc đục cho  ở phần gỗ rìa chõng phía ngoài một hàng chừng sáu bảy cái lỗ tròn rỗng đặt vừa khít những chiếc cốc thủy tinh có kiểu dáng như chiếc cốc vại uống bia bây giờ nhưng kích thước thì chỉ nhỉnh hơn nửa chiếc cốc vại. Đây là thứ cốc thủy tinh do các lò thủy tinh quanh Hà Nội tự nấu lại từ các mảnh chai, kính vỡ rồi đổ khuôn theo lối thủ công nên cốc có màu xanh nhạt và đầy bọt.
Những chiếc cốc này dùng để uống chè đường. Bà tôi còn kiếm đâu một số nắp đậy gọt bằng gỗ úp vừa khít lên miệng chúng. Đường kính trước đây là một loại thực phẩm còn tương đối xa xỉ của dân Hà Nội. Chẳng thừa mứa như bây giờ. Thời bao cấp, mỗi cán bộ đi làm nhà nước chỉ được mua dăm lạng mỗi tháng để cất ăn dè. Nước chè tươi pha đường kính trắng uống nóng hay để nguội là một trong những thứ nước giải khát tuyệt trần đời. Thuở trước, mỗi khi về thăm bà, cụ thường chiêu đãi tôi một cốc nước chè pha đường.
Từ khi lối uống chè tàu được phổ cập ở Hà Nội vào những thập kỷ 1960 - 1970, chè tươi bị lùi dần khỏi các quán chè của người  Hà Nội và thay vào đó là các quán cóc bán chè Thái đậm đặc mà người Hà Nội xưa thường gọi là chè Tàu. Ở những quán này người ta bán kèm thuốc lá và đôi khi cả lạc rang và rượu ngang nữa.
Gần đây, nghe nói chè tươi có nhiều chất bổ lại ngừa được bệnh tật nên một số cụ già ở Hà Nội  uống chè tươi trở lại. Sáng sáng đi tập thể dục quanh hồ Hoàn Kiếm, các cụ bà thường ghé qua phố Bảo Khánh tìm mua dăm lạng chè tươi của một chị bán chè đem ở ngoại ô vào bán. Thoạt đầu bao tải chè được bán lưu động trên chiếc xe thồ cùng mấy chị bán hoa, bán thịt. Sau bị công an và đội trật tự đuổi riết quá, chị ta xoay sở được ngồi ngay cửa ra vào ngõ hẻm nhà số 4 cùng phố. Thế là an toàn. Ai  muốn mua lá chè tươi thì ra đấy mà mua nhưng nhớ phải dậy sớm. Vì hết giờ tập thể dục sáng thì hàng cũng vừa hết. 
TS Vũ Thế Long - 04/06/2010.
(TS. Chu Xuân Ái sưu tầm và dẫn đăng – Còn nữa)
 
 
Comments
Hiện tại không có lời bình nào!
  Đăng lời bình

Trong phần này bạn có thể đăng lời bình





Gửi lời bình   Huỷ Bỏ

Copyright 2008 by www.chetonvinh.com | Thỏa Thuận Dịch Vụ | Bảo Vệ Thông Tin 24 Tháng Tư 2024    Đăng Nhập 
Được cung cấp bởi: www.eportal.vn