01 Tháng Năm 2025       Đăng Nhập 


..:: Tọa Đàm ::..
Kỹ thuật

Vài nét về cây chè và chè Việt
10 Tháng Mười Một 2014 :: 11:28 SA :: 4032 Views :: 0 Comments

Nguồn gốc cây chè thế giới từ đời vua Thần Nông cách đây đã hơn 5000 năm, đến ngày hôm nay vẫn là một vấn đề thời sự rất hào hứng và có giá trị khoa học văn hoá chưa kết thúc, mà vẫn cần được các học giả khấm phá làm sáng tỏ

1. Vùng nguyên sản cây chè trên thế giới.

Theo những tư liệu đã công bố trên thế giới, cho đến ngày nay có 5 thuyết về vùng nguyên sản cây chè.         
1.1. Thuyết Trung Quốc:
Năm 1753, Carl Von Linnaeus, nhà thực vật học Thuỵ Điển đã thu thập và phân loại các mẫu chè giống ở Trung Quốc, và lần đầu tiên xác định tên khoa học cây chè là Thea sinensis, phân thành 2 thứ (variétas) chè: Thea bohea (chè đen) và Thea viridis (chè xanh). Từ đó đã xác nhận Trung Quốc là vùng nguyên sản cây chè của thế giới.                                                  
Các học giả Trung Quốc, đứng đầu có giáo sư Trang Vãn Phương đã dẫn những tư liệu cổ thư Trung Hoa, tư liệu thương mại, tự nguyên, truyền bá đạo Phật, và điều tra khảo sát thực vật học :
- Theo " Trà Kinh " (Lục Vũ, 760), cây chè được vua Thần nông (Viêm Đế), phát hiện lần đầu là một dược liệu  “ Thần Nông thưởng bách thảo, nhật ngẫu thất thập nhị độc, đắc trà nhi giải chi “ (Thần Nông nếm hàng trăm thứ cỏ, có ngày gập 72 loại cỏ độc, uống chè là giải độc được).                                 
- Cuốn " Vân Nam địa lý phủ chí "đời nhà Đường, đã có bản liệt kê các cây chè cổ thụ ở Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông và Phúc Kiến. (Trà diệp, 1966).
- Ngày nay, các cây chè cổ thụ tại Trung Quốc đã được phát hiện ở Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hồ Nam. Vùng Mạnh Hải (Vân Nam) có một cây chè cổ thụ trong rừng sâu, ở độ cao trên mặt biển 1.500m, cao 34m, đường kính thân 1,21m.
- Các cây Họ Sơn Trà - Camelia- gần với cây chè có tới 60 loài ở Trung Quốc trên tổng số 80 loài trên thế giới.
- Con đường thương mại tơ lụa - chè Marco Polo, từ Trung Quốc qua sa mạc Nội Mông, Ba Tư đến Italia đã truyền bá sản phẩm trà và tên gọi chữ trà của Trung Quốc ra khắp 5 châu.    
Kết luận, Giáo sư Trang Vãn Phương khẳng định :                         
" Từ những phân tích trên chúng ta có thể suy đoán Vân Nam là trung tâm của vùng nguyên sản cây chè.  Tứ Xuyên, Quý Châu, Việt Nam, Mianma và Bắc Thái Lan là vùng ngoại vi của nơi nguyên sản cây chè " (Trà thụ sinh vật học, 1957).
1.2. Thuyết Ấn Độ:
Năm 1823, 70 năm sau Linné, Robert Bruce, học giả người Anh, đã phát hiện một số cây chè hoang dã trong dãy núi Sadiya, ở vùng Assam (Ấn Độ) cao tới 17 - 20m, thuộc loài cây thân gỗ lớn (đại kiều mộc), khác hẳn cây chè thân bụi (quán mộc) của Linné đã thu thập ở Trung Quốc. Sau đó một số nhà học giả Anh khác (1912) đưa ra thuyết Ấn Độ là vùng nguyên sản cây chè trên thế giới,kết luận giống chè Trung Quốc, Nhật Bản hiện trồng là nhập từ Ấn Độ. Ngày nay thuyết này không được công nhận.
1.3. Thuyết nhị nguyên:
Năm 1918, qua 85 năm sau Linné, Cohen Stuart (Java), một nhà phân loại thực vật Hà Lan, đã thu thập mẫu tiêu bản chè tại Vân Nam, Bắc Việt Nam và Bắc Mianma. Kết quả đã tìm thấy những cây chè thân gỗ lớn ở khu vực miền núi phía Nam và phía Tây Vân Nam: "Tại các sườn núi vùng trung và bắc Tứ Xuyên, đã quan sát thấy những bụi chè, phổ biến cao đến 10 thước Anh, đặc biệt cao trên 10 thước Anh, rất giống những cây chè hoang dã".                   
Dựa vào những kết quả điều tra trên, Cohen Stuart đã đưa ra thuyết 2 nguồn gốc của cây chè (nhị nguyên thuyết) : cây chè lá to (đại diệp chủng) có nguồn gốc ở phía Đông cao nguyên Tây Tạng, cây chè lá nhỏ (tiểu diệp chủng) có nguồn gốc ở phía Đông và Đông Nam Trung Quốc, thuộc 2 loại hình khác nhau. Thuyết này ít được nhắc tới ngày nay.                                           
1.4. Thuyết chiết trung:
Năm 1951, qua 128 năm sau Linné, Đào Thừa Trân (Trung Quốc), tổng kết các ý kiến của các nhà khoa học thành 4 thuyết : thuyết Trung Quốc, thuyết Ấn Độ, thuyết nhị nguyên và thuyết chiết trung. Thuyết chiết trung là một thuyết trung dung, xếp giữa hai thuyết Trung Quốc và Ấn Độ, được nhiều nhà thực vật học ủng hộ. Thuyết này cho rằng, cái nôi tự nhiên cây chè là ở khu vực gió mùa Đông Nam Á, vì ở Lào, Mianma, Vân Nam và Bắc Việt Nam đều có những cây chè hoang dại. Các điều kiện đất đai, khí hậu, lượng mưa của cả khu vực này đều rất thích hợp với sinh trưởng của cây chè, hợp thành một vườn chè nguyên thuỷ. Hơn nữa, các cây chè hoang dại, đều có rất nhiều trên bờ của các con sông lớn: Kim Sa Giang, Phú Long Giang, Salouen, Irravađi, Mê Kông, Bramapoutrơ... Các con sông lớn này đều bắt nguồn từ dãy núi phía Nam cao nguyên Tây Tạng, cho nên vùng nguyên sản cây chè là vùng núi ở cao nguyên Tây Tạng.                                                       
Kết luận của tác giả là: "...Vì thế nơi nguyên sản của cây chè là tỉnh Vân Nam của nước Trung Hoa. Cây chè di thực về phía Đông qua tỉnh Tứ Xuyên, bị ảnh hưởng của khí hậu, nên biến thành giống chè lá nhỏ ; di thực về phía Nam và Tây Nam là Ấn Độ, Mianma, Annam (Việt Nam) biến thành giống lá to ".
Năm 1933, J.J.B.Deuss, Hà Lan, nguyên giám đốc Viện nghiên cứu chè Buitenzorg ở Java (Indonexia), cố vấn các công ty chè Đông Dương thời Pháp, sau khi đi khảo sát vùng chè cổ Tham Vè tại xã Cao Bồ (Vị Xuyên - Hà Giang) đã viết "... Điểm cần chú ý là ở những nơi mà con người tìm thấy cây chè, bao giờ cũng ở bên bờ các con sông lớn, như sông Dương Tử, sông Tsi Kiang ở Trung Quốc, sông Hồng ở Vân Nam và Bắc Kỳ (Việt Nam), sông Mê Kông ở Vân Nam, Thái Lan và Đông Dương, sông Salouen và Irrawadi ở Vân Nam và Mianma, sông Bramapoutrơ ở Assam. Tất cả những con sông đó đều bắt nguồn từ dãy núi phía Đông cao nguyên Tây Tạng. cho nên nguồn gốc cây chè là từ dãy núi này phân tán đi (thuyết De Candolle, nhà thực vật học).
Cuối cùng, năm 1974 – qua 221 năm sau Linné - J.Werkhoven (Hà Lan) chuyên viên của FAO đã viết trong tập “Chế biến chè” (Tea processing) :
Cây chè đầu tiên được Linnaeus xếp loại và đặt tên là Thea sinensis (L.) có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Trung Quốc gần nguồn sông Irrawadi (Mianma). Đại thể nó xuất phát từ một vùng sinh thái hình cái quạt, giữa các ngọn đồi Naga, Manipuri và Lushai, dọc theo đường biên giới giữa Assam và Myanma ở phía Tây, ngang qua Trung Quốc ở phía Đông, và theo hướng Nam chạy qua các ngọn đồi của Myanma và Thái Lan vào Việt Nam, trục Tây Đông chạy từ kinh độ 95o đến 120o Đông, trục Bắc Nam từ vĩ độ 29o đến 11o Bắc.                                                                                 
1.5. Thuyết Việt Nam:
Cuộc tranh luận của các học giả thế giới hơn 2 thế kỷ về nguồn gốc cây chè thế giới tưởng chừng đã kết thúc. Thế nhưng trong 2 năm 1974-1975, Djemukhatze K.M., Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã 2 lần sang Việt Nam theo lời mời của UBKHKTNN. Sau những nghiên cứu về sự tiến hoá của cây chè, bằng cách phân tích chất catechin trong cây chè cổ thụ, ở Tứ Xuyên, Vân Nam Trung Quốc và các cây chè cổ Việt Nam (Suối Giàng, Nghĩa Lộ, Lạng Sơn, Nghệ An...), đã kết luận trong cuốn sách “Cây chè ở Miền Bắc Việt Nam (Чай растения в Северном Вьетнаме) – 1976  “... Cây chè cổ Việt Nam, tổng hợp các catechin đơn giản nhiều hơn cây chè Vân Nam; các chất catechin phức tạp ở cây chè Vân Nam nhiều hơn ở cây chè Việt Nam, như vậy là một loại hình tiến hoá sau cây chè Việt Nam”, từ đó tác giả đề xuất sơ đồ tiến hoá cây chè :

Camellia ® Chè Việt Nam ® Chè Vân Nam lá to ®  Chè Trung Quốc ®  Chè Assam (Ấn Độ)

Qua 2 quan điểm của Trang Vãn Phương, về cây chè Việt Nam nằm trong ngoại vi vùng nguyên sản cây chè, và của Djemukhatze K.M., về sơ đồ tiến hoá cây chè thế giới, chúng tôi thấy, cần phải tìm hiểu thêm về cây chè ở vùng ba biên giới Trung Quốc - Việt Nam - Lào, cụ thể ở Lai Châu, Vân Nam và Lào, "ở nơi một con gà gáy ba nước nghe thấy ".
Vậy vùng dân tộc Xípxoongpảnnả, có quan hệ với tỉnh Lai Châu như thế nào? Cách đây 110 năm, Lefèvre Pontalis, một nhà thám hiểm Pháp, đã tiến hành năm 1982, một hành trình khảo sát về sản xuất và buôn bán chè giữa sông Đà và sông Mê Kông ở miền núi phía Bắc Việt Nam, từ Hà Nội qua Chợ Bờ (Hoà Bình), Mộc Châu, Thuận Châu, Lai Châu, Mường Tè, rồi sang Trung Quốc đến Xiêng Hùng và Ipang, vùng dân tộc Xípxoongpảnnả.
Hồi ký viết : "...12 ngày vận chuyển trên lưng lừa từ Ipang đến Lai Châu, và 5 ngày từ Lai Châu đến Hà Nội bằng thuyền độc mộc; đó là con đường từ Ipang (Trung Quốc) sang Hà Nội (Việt Nam) ... Ipang được nối liền bằng nhiều con đường với các trung tâm của tỉnh Vân Nam như Phổ Nhĩ, Semao, Mạn Hảo, Talan qua các huyện của dân tộc Lu, một bộ phận của Xípxoongpảnnả ở biên giới phía Nam của Vân Nam; hàng ngày tôi đã gặp những đoàn thồ lớn 100 - 200 con lừa, chất đầy muối và gạo khi đi và nặng chĩu những chè khi về...
Ipang nổi tiếng là do chất lượng chè đạt mức "ngự trà" ; hàng năm, vào đầu mùa mưa, người ta hái cho Hoàng đế những búp chè, gồm toàn những búp non và nhỏ nhất. Loại chè cao cấp này không bán ngoài thị trường... và ai cũng cố giữ lại cho mình một phần nhỏ, mặc dù có nguy cơ bị tố cáo hay trừng trị nặng nề. Tôi đã trông thấy một nắm chè loại này trong tay một người Trung Quốc... Loại chè màu trắng ngà này, bao gồm những cánh chè rất nhỏ và rất xoăn. Vùng đất đai của Đèo Văn Trị ở Lai Châu, chỉ cách Ipang bằng địa điểm Mường Hoa. Dân tộc Lai Châu là hàng xóm láng giềng gần gũi của dân tộc Ipang..."                                                                                                          
Qua các tư liệu trên đây thì thấy, nguồn gốc cây chè thế giới từ đời vua Thần Nông cách đây đã hơn 5000 năm, đến ngày hôm nay vẫn là một vấn đề thời sự rất hào hứng và có giá trị khoa học văn hoá chưa kết thúc, mà vẫn cần được các học giả khấm phá làm sáng tỏ.

(TS. Chu Xuân Ái – Sư tầm và biên soạn)
 
Comments
Hiện tại không có lời bình nào!
  Đăng lời bình

Trong phần này bạn có thể đăng lời bình





Gửi lời bình   Huỷ Bỏ

Các tin bài khác
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CHÈ - P.4 20/12/2018
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CHÈ - P.3 17/12/2018
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CHÈ - P.2 25/11/2018
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CHÈ - P.1. 19/11/2018
KỸ THUẬT CƠ BẢN SẢN XUẤT TRÀ Ô LONG - P.7 (hết) 27/10/2018
KỸ THUẬT CƠ BẢN SẢN XUẤT TRÀ Ô LONG - P.6 25/10/2018
KỸ THUẬT CƠ BẢN SẢN XUẤT TRÀ Ô LONG - P.5 25/10/2018
KỸ THUẬT CƠ BẢN SẢN XUẤT TRÀ Ô LONG - P.4 08/05/2018
KỸ THUẬT CƠ BẢN SẢN XUẤT TRÀ Ô LONG - P.3 22/02/2018
KỸ THUẬT CƠ BẢN SẢN XUẤT TRÀ Ô LONG - P.2 22/02/2018
KỸ THUẬT CƠ BẢN SẢN XUẤT TRÀ Ô LONG - P.1 03/01/2018
KỸ THUẬT CƠ BẢN SẢN XUẤT CHÈ ĐEN TRUYỀN THỐNG (Orthodox – OTD) _ P.12 (Hết) 28/03/2025
KỸ THUẬT CƠ BẢN SẢN XUẤT CHÈ ĐEN TRUYỀN THỐNG (Orthodox – OTD) - P.11 19/11/2020
KỸ THUẬT CƠ BẢN SẢN XUẤT CHÈ ĐEN TRUYỀN THỐNG (Orthodox – OTD) - P.10 19/11/2020
KỸ THUẬT CƠ BẢN SẢN XUẤT CHÈ ĐEN TRUYỀN THỐNG (Orthodox – OTD) - P.9 27/09/2017
KỸ THUẬT CƠ BẢN SẢN XUẤT CHÈ ĐEN TRUYỀN THỐNG (Orthodox – OTD) - P.8 18/09/2017
KỸ THUẬT CƠ BẢN SẢN XUẤT CHÈ ĐEN TRUYỀN THỐNG (Orthodox – OTD) - P.7 14/09/2017
KỸ THUẬT CƠ BẢN SẢN XUẤT CHÈ ĐEN TRUYỀN THỐNG (Orthodox – OTD) - P.6 24/08/2017
KỸ THUẬT CƠ BẢN SẢN XUẤT CHÈ ĐEN TRUYỀN THỐNG (Orthodox – OTD) - P.5 15/08/2017
KỸ THUẬT CƠ BẢN SẢN XUẤT CHÈ ĐEN TRUYỀN THỐNG (Orthodox – OTD) - P.4 09/08/2017
     SẢN PHẨM  
     HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN  

     Hình ảnh  
Quảng cáo SP

TON VINH TECHNOLOGY TRADE DEVELOPMENT JOINT STOCK COMPANY

Số 6/575/10 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh,Quận Ba Đình, Thành Phố Hà Nội
Tel.: (+84).4.37716927 - Fax: (+84).4.37610989 - Mobile: 0965768145 / 0988088432 / 0912339668
E.mail: sales@chetonvinh.com / tovitea_21104@yahoo.com.vn / chuxuanai@yahoo.com

TON VINH TECHNOLOGY TRADE DEVELOPMENT JOINT STOCK COMPANY

Số 6/10/575 Kim Mã, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội

Tel.: (+84).4.37716927 - Fax: (+84).4.37610989 - 

Mobile: 0965768145 - 0988088432 - 0912339668

E.mail: sales@chetonvinh.com


Copyright 2008 by www.chetonvinh.com | Thỏa Thuận Dịch Vụ | Bảo Vệ Thông Tin
Được cung cấp bởi: www.eportal.vn