Cây chè phát sinh, phát triển ở Việt Nam từ rất lâu đời trên các vùng núi cao phía Tây - Bắc với những cây chè nguyên thuỷ ở Suối Giàng(Yên Bái), Thông Nguyên, Cao Bồ, Lũng Phìn (Hà Giang); Chồ Lồng, Tà Xùa(Sơn La); Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
|
Sơ lược lịch sử chè Việt Nam.
Giai đoạn trước 1918:
Cây chè phát sinh, phát triển ở Việt Nam từ rất lâu đời trên các vùng núi cao phía Tây - Bắc với những cây chè nguyên thuỷ ở Suối Giàng(Yên Bái), Thông Nguyên, Cao Bồ, Lũng Phìn(Hà Giang); Chồ Lồng, Tà Xùa(Sơn La); Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Theo sách “Vân Đài loại ngữ” (bộ bách khoa toàn thư của Việt Nam – 1773) của Lê Quý Đôn có ghi trong mục IX Phẩm vật: “Cây chè đã có ở mấy ngọn núi Am Thiền Am Giới, Am Các, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hoá, mọc xanh um đầy rừng, thổ nhân hái lá chè đem về giã nát ra, phơi trong râm, khi kho đem nấu nước uống, tính hơi hàn, uống vào mát tim phổi, giải khát, ngủ ngon. Hoa và nhị chè càng tốt, có hương thơm tự nhiên”.
Các nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam “Về các mộ hợp nhất thời Vua Lê, Chúa Trịnh” của Đỗ Văn Ninh, Phạm Huy Thông, Phạm Như Hồ (1971), chè được các vua, quan dùng làm chất hút ẩm, giữ lâu không tiêu xác người và các vật chôn theo.
Ngay sau khi chiếm thành Thăng Long (1882), năm 1884 người Pháp đã quan tâm và tiến hành điều tra, khảo sát chè. G.Baux đã khảo sát tại Bản Xang, Bắc Kỳ (năm 1885); phái đoàn Pavie đã khảo sát vùng núi từ sông Đà đến sông Mê Kông (1890 – 1891); Lefevre Pontalis (1892) khảo sát dài ngày sản xuất và tiêu thụ chè từ Hà Nội qua Chợ Bờ, Mộc Châu, Lai Châu, Mường Tè (Việt Nam) sang Ipang, Xip – xoong – pản – nả ( Hai mươi hai bản - Vân Nam, Trung Quốc).
Chè được sản xuất quy mô nhỏ dạng vườn gia đình ở vùng thấp Trung du Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ và chè rừng ở vùng cao Hà Giang, Sơn La, Lai Châu. Sản phẩm có chè tươi, chè khô phơi nắng (không qua chế biến), chè Bạng, chè Huế (băm hoặc giã nhỏ, lên men nhẹ, phơi nắng đến khô), chè mạn Hà Giang (vò, lên men nhẹ, phơi nắng, gác bếp hoặc đóng thành bánh). Cây chè được trồng với qui mô đồn điền đầu tiên 60 ha ở Tình Cương, Cẩm Khê, Phú Thọ bởi nhà tư bản người Pháp Paul Chaffanion vào năm 1890.
Giai đoạn này, Đông Dương đã xuất khẩu chè sang Pháp, Hồng Kông, Singapor, Trung Quốc, từ 559 tấn năm 1911 tăng lên 918 tấn năm 1916 và 861 tấn năm 1917; đã nhập khẩu chè từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông 1.113 tấn năm 1911, cao nhất lên 2.410 tấn năm 1913, sau giảm còn 894 tấn năm 1917.
Tham khảo: bảng báo giá seo tổng thể
Giai đoạn 1918 – 1945:
Chè phát triển quy mô lớn khởi đầu với sự thành lập Trạm Nghiên cứu Nông Lâm nghiệp Phú Thọ theo Nghị định số 398 ngày 21/6/1918 của Thống sứ Bắc Kỳ Bourcuer Saint Chaffray. Sau đó, thêm hai cơ sở nghiên cứu được thành lập: Trạm Thực nghiệm Playcu, Gia Lai Kontum (1927) và Trạm Nghiên cứu nông học Blao, Bảo Lộc Lâm Đồng (1931).
Sản xuất chè đã có hàng loạt các công ty, đồn điền chè hoặc chè và cà phê thuộc quyền quản lý của người bản xứ và của người châu Âu. Sản phẩm đã có chè xanh, chè đen được chế biến bằng phương pháp thủ công hoặc bằng máy tại các nhà máy công nghiệp. Quá trình phát triển đến năm 1939 chè Việt Nam đã đứng hàng thứ 6 trong số các nước sản xuất chè trên thế giới với 10.900 tấn khô, diện tích 17.400 ha.
Thời gian 1918 – 1940 được xem là giai đoạn chè phát triển trong thời kỳ thuộc Pháp. Đông Dương đã xuất khẩu chè từ 753 tấn (1924) tăng đạt cao nhất 2.456 tấn năm 1940; nhập khẩu cao nhất 2.476 tấn năm 1926 giảm xuống thấp nhất 209 tấn năm 1940.
Thời gian từ 1940 – 1945 là thời kỳ chè ngưng trệ và giảm sút do Nhật Bản vào chiếm đóng Đông Dương và đảo chính Pháp tháng 3/1945, mất ổn định về chính trị; ngay sau đó Cách mạng Việt Nam nổ ra tháng 8/1945, chính quyền về tay nhân dân Việt Nam và năm sau đó nhân dân Việt Nam tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp.
Giai đoạn 1945 – 1954:
Đến tháng 12/1946, Pháp quay trở lại Đông Dương, cuộc kháng chiến giữ nước của nhân dân Việt Nam kéo dài chín năm. Ngay từ ngày đầu kháng chiến, nhiều cơ sở sản xuất chè đã bị ngừng trệ, nương đồi chè bị bỏ hoang hoá, nhiều nhà máy, cơ sở chế biến chè bị phá huỷ để thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, sản phẩm chè không tiêu thụ được do chiến tranh, nhiều vùng phá chè trồng cây lương thực phục vụ đời sống trước mắt và kháng chiến. Diện tích chè chỉ còn lại ở rất ít địa phương cả Bắc, Trung, Nam Việt Nam và Đông Dương.
Đến năm 1953, sản lượng chè khô cả nước có 4.989 tấn, trong đó phía Bắc là 1.239 tấn, phía Nam là 3.750 tấn.
Giai đoạn 1954 – 1975 và 1975 đến nay:
Thời kỳ hoà bình lập lại ở phía Bắc và chiến tranh chống Mỹ ở phía Nam của đất nước.
Các tỉnh phía Bắc chè được phục hồi nhanh chóng cả về diện tích, sản lượng. Nhiều nông trường quốc doanh và hợp tác xã chè được thành lập với quy mô tập trung và đặc biệt với sự giúp đỡ của Liên Xô (cũ) cho ra đời hàng loạt nhà máy chè đen và sự giúp đỡ của Trung Quốc cho ra đời hàng loạt nhà máy chè xanh công suất lớn. Thị trường chè đen chủ yếu là Liên Xô và các nước Đông Âu, chè xanh chủ yếu là Trung Quốc và nội tiêu.
Năm 1976, sản lượng chè khô cả nước có 16.680 tấn, trong đó phía Bắc 11.180 tấn, phía Nam là 5.500 tấn.
Kể từ ngày giải phóng, tháng 4/1975 đến nay, ngành Chè Việt Nam đã trở thành ngành sản xuất lớn và được coi là chủ đạo phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, nhất là các tỉnh Trung du, Miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
TS. CHU XUÂN ÁI
|
|
|